Tước hiệu Hoàng_đế_La_Mã_Thần_thánh

Xem thêm thông tin: Hoàng đế

Tước hiệu Hoàng đế (tiếng Latin:Imperator) mang chức trách quan trọng là người bảo vệ cho Giáo hội Công giáo Rôma. Theo sự tăng lên của quyền lực Giáo hoàng trong suốt thời Trung Cổ, các Giáo hoàng và hoàng đế thường mâu thuẫn với nhau trong việc quản lý giáo hội, điển hình là Tranh cãi Tấn phong ở thế kỷ XI giữa Giáo hoàng Grêgôriô VII với Hoàng đế Heinrich IV.

Sau khi Charlemagne đăng quang Hoàng đế La Mã bởi Giáo hoàng, những người thừa kế ông vẫn duy trì danh hiệu trên cho đến cái chết của Berengar I của Ý năm 924. Danh hiệu bỏ trống đến năm 962 khi Otto I được tấn phong. Otto được xem là Hoàng đế La Mã Thần thánh đầu tiên, bởi dưới triều đại của ông và những người tiếp nối, nhiều vương quốc miền Đông Frank thuộc Đế quốc Carolingian trước kia thống nhất thành Đế quốc La Mã Thần thánh. Các hoàng thân người Đức bầu một trong số họ lên làm vua của người Đức, sau đó người này sẽ được trao vương miện bởi Giáo hoàng. Kể từ sau lần đăng quang của Karl V, tất cả các hoàng đế kế tiếp đều là hoàng đế-được bầu do thiếu sự phong ngôi của Giáo hoàng, nhưng để cho đơn giản trong ngành sử họ vẫn được gọi là "hoàng đế".

Thuật ngữ "thần Thánh" (tiếng Latin:sacrum, tiếng Anh:holy) liên hệ với tên gọi đế quốc được dùng lần đầu tiên năm 1157 dưới thời Hoàng đế Friedrich Barbarossa[1]. Tuy nhiên thực ra, tên gọi chính thức của danh hiệu này là "Hoàng đế August của người La Mã" (tiếng La Tinh: Romanorum Imperator Augustus). Khi Charlemagne đăng quang năm 800, ông được tặng danh hiệu "Đấng August cao quý nhất, thụ phong bởi Chúa, hoàng đế vĩ đại và hòa bình, cai trị Đế quốc La Mã", hàm chứa yếu tố "thần Thánh" và "La Mã" trong đế hiệu. Từ "thần Thánh" chưa bao giờ xuất hiện như một phần tên hiệu trong các văn bản chính thức.[2]

Từ "La Mã" phản ánh một nguyên lý translatio imperii (chuyển tiếp quyền lực đế chế). xem những Hoàng đế La Mã Thần thánh (người Đức) như những người thừa kế danh hiệu Hoàng đế của đế quốc Tây La Mã, một danh hiệu đã bị phế bỏ kệ từ cái chết của Julius Nepos năm 480.